Hoạt động công ty
21-04-2019

ĐOM ĐÓM LÀM DU LỊCH

dom-dom-lam-du-lich

Đom đóm (tên khoa học : Lampyridae, còn tiếng Anh : Firefly) là loại côn trùng màu nâu xám, thân mềm, cánh cứng có khả năng phát sáng, hoạt động về đêm, nhất là đầu mùa mưa. Đom đóm gắn liền với những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ khắp vùng quê Việt thuở trước, hồn nhiên như cỏ cây vốn có.

Thuở nhỏ, ai cũng có thời bầu bạn cùng đom đóm. Ban đầu thì hơi sợ. Những đêm tối trời, đom đóm rủ nhau lập lòe như ma trơi hù dọa. Lớn thêm một chút, môn sinh vật có dạy về loại bọ này. Thế là tò mò tìm hiểu. Lại được nghe nhiều chuyện ly kỳ của người xưa, những gương vượt khó học giỏi thành tài. Mạc Đĩnh Chi, thuở hàn vi nghèo khó, buổi tối phải bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng để học bài, sau thành lưỡng quốc Trạng Nguyên. Đom đóm đã đồng hành và giúp đỡ nhiều tấm gương hiếu học. Tôi cũng muốn bắt đom đóm để học bài, vừa tiết kiệm tiền dầu, vừa học gương người xưa. Khổ nỗi, bắt cả chục con bỏ vào vỏ trứng hoặc lọ thủy tinh mà ánh sáng vẫn nhập nhòe, đọc chữ được chữ mất, mắt mỏi muốn nổ đom đóm. Cuối cùng đành trả tự do cho đom đóm, chung thủy với đèn dầu hạt đậu. Lại bày ra trò thi đom đóm của ai sáng nhất. Cái đốm nhỏ lập lòe xanh trắng, lơ lửng và vút bay trong đêm tối có ma lực hấp dẫn kỳ lạ. Lũ trẻ quê chỉ thích bắt loại đom đom biết bay, chạy đuổi ngã nhào cũng không bỏ cuộc. Còn loại đom đóm sâu (ấu trùng) thì bị chê vì nhìn hơi ghê ghê và ánh sáng không “chớp tắt” được. Khi lên tỉnh và vào thành phố học, đom đóm lùi vào dĩ vãng cùng nhiều loại côn trùng khác, có khi cả đời chưa gặp lại.

Cách đây mấy năm, trong chuyến Famtrip của Tổng Cục Du Lịch Thái Lan, tôi đã ngạc nhiên đến sững sờ với cách người Thái làm du lịch, đặc biệt là đom đóm. Thị trấn Amphawa, thuộc tỉnh Samut Songkram, cách Bangkok về phía tây chừng 80 km, có hẳn tượng đài đom đom. Tượng không bề thế mà sinh động, xinh xắn và trân trọng. Amphawa, từ lâu nổi tiếng với chợ nổi. Khác với chợ nổi tự nhiên trên sông của miền tây Việt Nam, chợ nổi Thái chủ yếu phục vụ du khách. Kênh đào láng o, thuyền giống nhau be bé. Khách thường ở trên bờ, mua gì thì gọi, chủ thuyền cầm sào dài, cuối sào có giỏ để nhận tiền và gởi hàng.  Thi thoảng có mấy khách ngồi xuồng dạo chơi trên rạch hẹp. Vô số hàng quán hai bên bờ và khu kế cận, chủ yếu bán đồ lưu niệm, ẩm thực, một ít hàng tiêu dùng. Nghĩ lại, mới thấy giá trị đặc sắc của chợ nổi Việt Nam, chỉ tiếc là ta chưa biết tận dụng để khai thác du lịch. Các chợ nổi ở Thái đều hoạt động ban ngày, riêng chợ nổi Amphawa hoạt động vào xế chiều và tối như một nét riêng đặc thù. Khách nào đi chợ nổi Amphawa cũng háo hức tham gia tour Du thuyền xem đom đóm.

dom-dom-lam-du-lich

Sau bữa ăn tối, khách ngồi trên những xuồng nhỏ, thư giãn ngắm trời đất, cỏ cây và nghe giới thiệu về đời sống sinh học của đom đóm. Đom đóm phát sáng nhờ loại phản ứng hóa học là Biolumiescense (ánh sáng sinh học) nằm dưới bụng, từ thời ấu trùng. Chúng giao phối, đẻ trứng dưới mặt đất. Trứng nở thành ấu trùng sau 3 – 4 tuần rồi biến dần thành nhộng trong 9 tháng và ngủ vùi dưới dất gần 2 tháng rồi tự lột xác thành đom đóm. Quá trình sinh trưởng gian nan nhưng vòng đời đom đóm rất ngắn, chỉ từ 10 – 15 ngày. Thuyền bơi rất êm giữa dòng sông tĩnh lặng. Cảnh vật chẳng có gì đặc biệt nhưng người chèo thuyền kiêm hướng dẫn viên đã thổi hồn và truyền lửa cho hành trình kết bạn với đom đóm. Những đốm sáng ban đầu chỉ rải rác rồi từ từ lan tỏa. Lúc chớp tắt liêu trai, lúc lung linh gần gũi, lúc sáng bừng hoa đăng. Khi xa xôi vờn đuổi, khi dọa dẫm trêu đùa, làm quen với khách hoặc la đà mặt nước. Cứ như cả khu phố đom đóm trên sông đang vào hội rộn ràng. Nỗi mệt mỏi bỗng chốc tan biến, được trở với với những hoài niệm tuổi thơ, chân quê nghịch ngợm. Cả mảng sông sáng bừng bởi hàng chục, hàng trăm ngàn đom đóm. Lúc kết thành chùm như đèn trang trí, lúc tạo thành những hình thù lạ mắt soi bóng mặt nước. Nhìn xa cứ ngỡ cả trời sao lạc chơi xuống trần, hư ảo giữa đêm khuya thanh vắng. Một cảm giác lâng lâng rất lạ. Đom đóm cũng tham gia làm du lịch với người Thái. Chợt nhớ quê da diết. Lâu lắm rồi chưa có dịp trải nghiệm. Chẳng biết đom đóm còn hay mất.

dom-dom-lam-du-lich

Sau này, tôi biết thêm; không chỉ có đom đóm ở Thái làm du lịch mà còn có đom đóm ở Philippines và Malaysia. Ở Palawan, tỉnh lớn nhất của Philippines (gấp hơn 7 lần Sài Gòn), cũng có tour xem đom đóm. Tại đây, các phòng khách sạn đa phần bé tẹo, tiện nghi thường thường, chủ yếu để ngủ. Mục đích là để khách ra khỏi phòng, khám phá thế giới chung quanh. Những chiếc thuyền banca bằng gỗ, chở 4 – 5 người, chèo tay trên dòng Iwahig dân dã. Cũng giống ở Thái Lan, khách phải mặc áo phao và không sử dụng đèn flash để chụp hình vì sẽ làm đom đóm giật mình hoảng sợ. Với lại chẳng đèn nào đủ sáng vài chục mét. Nếu tour xem đom đóm ở Amphawa kéo dài mấy giờ liền thì ở Palawan chỉ nửa giờ độ lại. Ngoài Palawa, còn có thể xem đom đóm trên sông Donsol và sông Ogod thuộc tỉnh Sorsogon, Philippines. Donsol là “Thủ đô Whale Shark của thế giới” với các loại hình đi tàu đáy kính ngắm cá mập. Thích cảm giác mạnh thì lặn tắm chung cùng cá mập với thiết bị chuyên dùng. Sau khi mạo hiểm với cá mập thì thư giãn nhẹ nhàng với đom đóm. Nhưng đội quân đom đóm tham gia du lịch hùng hậu nhất là ở Malaysia. Bang Selangor có hẳn cả Dòng sông đom đóm (sông Kampung Kuatan thuộc ngôi làng cùng tên) được xem là “kỳ quan thiên nhiên thế giới” với cơ man đom đóm, chi chít, dày đặc như một khu rừng thực thụ. Cả rừng cây rực rỡ, bạt ngàn “hoa” đom đóm. Người Malaysia gọi đom đóm là “Kelip – kelip”, cách gọi theo nhịp chớp tắt của đom đóm. Có hẳn cả Firefly Resort Park. Thuyền chèo tay, êm ru lướt nhẹ xuôi dòng Kampung Kuatan để khách no nê chiêm ngưỡng rừng hoa đom đóm. Mơ màng như đang lạc vào thế giới thần tiên cổ tích của kelip – kelip. Nhờ đừng quên xoa kem chống muỗi, bởi loài côn trùng này sẽ ganh tị với đom đóm, cứ vo ve và tấn công cảm tử hòng làm nản nhuệ chí du khách.

dom-dom-lam-du-lich

Văn minh và hiện đại như Nhật Bản vẫn tận dụng đom đóm làm du lịch như một cách để bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn bản sắc văn hóa. Tháng 6 hàng năm, khắp nước Nhật tổ chức lễ hội đom đóm để vui chơi xả stress và cân bằng nhịp sinh học của con người. Lễ hội thường tổ chức trong các công viên, hoặc tại các kênh rạch ao hồ, nơi họ nhà đom đóm thích tụ tập và kéo dài từ xế chiều đến nửa đêm với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí. Là dịp để mọi người tìm hiểu về đom đóm và thưởng ngoạn, xem chúng lập lòe chao lượn hoặc đong đưa đùa giỡn như chẳng thèm để ý đến cả ngàn du khách đang náo nức chờ đợi. Đây cũng là dịp để mọi người yêu quí thiên nhiên, thân thiện với cả côn trùng vô hại và trân trọng từ cành cây ngọn cỏ. Có người bảo đom đóm là linh hồn của anh đào, quốc hoa Nhật Bản?. Cả hoa anh đào và đom đóm đều ngắn ngủi nhưng kiêu sa, nhiệt huyết, hết mình như tinh thần Samurai của người Nhật. Khách cứ tha hồ kết bạn với đom đóm, có thể nâng niu đặt chúng vào bàn tay khum lại, nghía cho rõ rồi trả chúng về với bạn bè.

Bắt chước thiên hạ, ở Cần Thơ và Tiền Giang cũng có tour đom đóm, vừa xem vừa bắt chơi thoải mái. Do môi trường ô nhiễm và sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu nên nhiều loại côn trùng trong đó có đom đóm ngày càng bị tận diệt. Biết đom đóm có thể làm du lịch, thiên hạ tạo mọi điều kiện để chúng sinh sôi và giúp ích cho đời. Họ có cả chiến lược đầu tư, phát triển cụ thể chứ không ăn xổi, chỉ biết thu mà không có dưỡng. Tour đom đóm Cần Thơ chết yểu, còn ở Tiền Giang cũng đang ngoắc ngoải. Mới hay muôn sự tại người. Ở xứ mình, không chỉ con người mà đến côn trùng cỏ cây cũng khổ và chịu thiệt thòi hơn nhiều nơi khác.

                              *NGUYỄN VĂN MỸ