Hoạt động công ty
18-10-2019

GỬI ĐẾN NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ QUANH TA 20/10/2019

20-10 ngày phụ nữ việt nam

 

Phụ nữ thế giới (trong đó có Việt Nam) có ngày 8.3, còn ngày 20.10 dành riêng cho Phụ nữ nước nhà. Trong 2 ngày này, chị em phụ nữ nhận được nhiều lời chúc và quà tặng. Có lời chân tình tự đáy lòng, không giống ai. Có lời chúc lấy từ trên mạng, rồi nhân bản ra hàng trăm. Quà cũng vậy. Có quà nghĩa tình, quà nghĩa vụ, quà tranh thủ, quà gượng ép… Dù sao, có là tốt, vẫn còn hơn không. Báo chí tràn ngập bài viết về phụ nữ, từ nhiều góc cạnh khác nhau và viết bao nhiêu cũng chưa đủ.

So với cánh mày râu, phụ nữ Việt Nam vẫn chưa có bình đẳng giới thật sự. Vào bếp, phụ việc nhà, chăm sóc con…vẫn là điều khó khăn, thậm chí là không tưởng, không chỉ của nhiều nam giới mà cả phụ nữ. Mẹ tôi, ngoài 80, vẫn tỏ vẻ khó chịu khi con trai hết mình chia sẻ việc nhà với vợ. Bà cho rằng chuyện đó là của phụ nữ, đàn ông chỉ lo kiếm tiền và làm việc lớn. Ở cơ quan tôi, rất nhiều bạn trẻ, cả nam lẫn nữ đều nghĩ như vậy. Tôi cãi lại, phụ nữ bây giờ cũng phải kiếm tiền, thậm chí giỏi hơn chồng là khác, nhưng vẫn không dễ gì xoay chuyển được thói quen.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Tự thân, nhiều chị em cũng nghĩ là phụ nữ thường kém hơn đàn ông. Đàn ông không muốn phụ nữ làm lãnh đạo đã đành, chính phụ nữ cũng không muốn điều đó. Cũng là lãnh đạo, phụ nữ thường phải cố gắng gấp đôi, gấp ba. Nhiều chuyện của phụ nữ, thay vì cảm thông và chia sẻ vì cùng giới, lại tọc mạch và phê phán, tự làm khổ lẫn nhau. Lịch sử nhân loại đã chứng minh, gần như các vĩ nhân và thiên tài của nhân loại đều là đàn ông. Phụ nữ ít tham gia chuyện đại sự, làm việc lớn. Nghe vậy, có bạn nữ dí dỏm phản đòn “Phụ nữ dành những việc lớn cho đàn ông, bởi họ phải tập trung vào việc quan trọng hơn. Đó là sản sinh ra các vĩ nhân và thiên tài của nhân loại”.

Ở Việt Nam, dù là thế kỷ 21, nhưng báo đài vẫn thường giới thiệu những điển hình phụ nữ 2 giỏi “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Tôi cứ mãi băn khoăn và không tài nào lý giải nổi, bao nhiêu phụ nữ có thể làm được điều phi thường đó. Nghĩa là phải làm việc gấp đôi. Thời chiến tranh, đàn ông ra trận, phụ nữ phải choàng gánh, đành chịu. Hòa bình đã hơn 40 năm, xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục giam hãm phụ nữ vì nhiều định kiến. Nhưng chính họ, đang làm khổ nhau vì những phong trào bất nhơn. Tôi có mẹ, vợ, con gái và nhiều bạn bè nữ. Chưa thấy ai trong số họ, có thể làm tốt cùng lúc 2 nhiệm vụ nặng nề đó. Chỉ có thể chọn 1 trong 2 để làm tốt nếu không muốn mau già và chết sớm. Nếu đi làm, sau 8 giờ cực nhọc, phụ nữ cũng rất cần được nghỉ ngơi, thư giãn. Tôi  biết, đa phần chị em làm lãnh đạo, kể cả Hội Phụ nữ đều có ôsin. Vậy mà nỡ nào khuyến khích, xúi giục những phụ nữ khác gồng mình 2 giỏi. Có cần phải như thế không?.

Hoàn toàn không. Xin hãy trân trọng phụ nữ – “Những người đã sinh ra nhân loại và cho tình yêu” (Trịnh Công Sơn), từ những việc nhỏ,  quanh năm chứ không chỉ vài ngày lễ. Nếu không có điều kiện thuê ôsin, dù là thuê giờ, thì cánh mày râu, từ nhỏ chí lớn; phải chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Chính những việc nhà, tưởng chừng là nhỏ nhặt, càng làm cho đàn ông trở nên mạnh mẽ hơn. Xin chị em phụ nữ bình tâm,  loại bỏ dùm phong trào 2 giỏi, bằng “Cả nhà cùng giỏi” mới đáng hoan nghênh. Xã hội Việt Nam có Phụ nữ nhưng không có Chính ông. Do vậy, cả hai phải luôn cùng đồng lòng bổ sung, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và làm đẹp cho đời.

Nguyễn Văn Mỹ