TANABATA: LỄ THẤT TỊCH LÃNG MẠN CỦA MÙA HÈ NHẬT BẢN
Mỗi mùa hè, khi những cơn gió mùa hè bắt đầu thổi nhẹ qua các con phố cổ kính của Nhật Bản, cũng là lúc người dân nơi đây háo hức chào đón những lễ hội đầy thú vị và đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, lễ thất tịch Tanabata cũng không ngoại lệ, nổi tiếng với câu chuyện tình yêu cảm động giữa hai vì sao xa cách, cùng biết bao ước nguyện gửi gắm lên trời cao qua những dải giấy ngũ sắc lung linh trong gió. Hãy cùng Lửa Việt Tours khám phá câu chuyện tình yêu bất tử và những nét đẹp văn hóa đậm chất thơ của mùa hè Nhật Bản nhé.
Giới thiệu đôi nét về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội Tanabata
Lễ hội thất tịch Tanabata gắn liền với những truyền thuyết đầy thú vị (Nguồn ảnh: Internet)
Lễ hội Tanabata (七夕), còn được gọi là “Lễ thất tịch”, một trong những lễ hội lãng mạn và giàu ý nghĩa nhất của Nhật Bản. Nếu như ở Trung Quốc, người ta thường nhắc đến chuyện tình buồn giữa Ngưu Lang và Chức Nữ, thì tại Nhật Bản lại gắn liền với truyền thuyết lãng mạn về Orihime, cô gái tài hoa dệt nên dải ngân hà và anh chàng chăn bò Hikoboshi chân thành.
Nguồn gốc
Theo một số truyền thuyết kể lại rằng Ngọc Hoàng có một người con gái có tài năng thêu thùa dệt lụa rất giỏi tên là Orihime. Và người con gái này vô tình đem lòng yêu chàng trai chăn bò Hikoboshi vô cùng tốt bụng. Họ gặp nhau, yêu nhau nồng thắm và nên nghĩa vợ chồng dưới sự sắp đặt của Thiên Đế.
Tuy nhiên, vì quá mải mê vui chơi mà họ dần sao nhãng bổn phận, làm cho công việc ở Thiên đình bị trì trệ. Ngọc Hoàng nổi giận, quyết định chia rẽ đôi uyên ương, chia cách đôi bờ Ngân Hà. Và ban cho họ một ân huệ, mỗi năm chỉ được gặp một lần, vào đêm Thất Tịch (ngày 7 tháng 7), hai người mới được đoàn tụ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, giữa cây cầu do đàn chim ô thước kết lại giữa trời sao lấp lánh.
Ý nghĩa của lễ hội
Lễ hội Tanabata Matsuri tại Nhật Bản cũng chính là dịp đặc biệt để tôn vinh tình yêu và gửi gắm những khát vọng sum vầy. Vào ngày này, người dân thường viết lời ước nguyện lên những mảnh giấy nhiều màu sắc gọi là “tanzaku”, rồi treo lên cành trúc xanh, với niềm tin rằng những mong ước ấy sẽ được trời cao lắng nghe và ban phước thành hiện thực.
Khi lễ hội khép lại, những cành tre cùng các lễ vật sẽ được thả trôi theo dòng nước hoặc mang đi hóa vàng. Đây cũng như một cách gửi gắm ước nguyện lên trời và tiễn biệt nghi thức thiêng liêng một cách trang trọng.
Giải mã những vật trang trí đặc trưng trong lễ hội Tanabata
Một trong những điểm thu hút và ý nghĩa nhất của lễ hội chính là những vật trang trí đầy màu sắc, không chỉ đẹp mắt mà còn mang đậm giá trị văn hóa và tâm linh. Dưới đây là ý nghĩa của các vật trang trí đặc trưng trong lễ hội Tanabata:
Tanzaku
Tanzaku – những mảnh giấy ước nguyện (Nguồn ảnh: Internet)
Đây là tên gọi của những mảnh giấy hoặc mảnh vải được dùng để ghi những ước nguyện của bản thân lên đó. Chúng thường có năm màu đỏ – xanh dương – vàng – trắng – đen, mỗi màu đại diện cho các ý nghĩa khác nhau, từ học hành, công việc, sức khỏe, đến tình yêu và gia đình. Vào dịp lễ, những cây tre treo đầy Tanzaku nhiều màu sắc lung linh trong gió tạo nên khung cảnh thơ mộng, đậm chất mộng mơ của mùa hè Nhật Bản.
Fukinagashi
Những cột trang trí đầy màu sắc tại lễ thất tịch (Nguồn ảnh: Internet)
Fukinagashi là những cột trang trí giấy khổng lồ, đại diện cho những sợi chỉ thiêng liêng của nữ thần dệt vải Orihime. Phía trên mỗi Fukinagashi là một quả cầu giấy lớn, từ đó những dải giấy dài thướt tha buông xuống, tạo nên vẻ đẹp mềm mại và sinh động.
Các dải giấy này thường được tô điểm bằng hoa văn tinh xảo, hoa giấy hoặc nhiều loại vật phẩm trang trí đầy màu sắc. Fukinagashi thể hiện lời cầu chúc cho sự hưng thịnh của nghề dệt may và thủ công truyền thống, đồng thời tôn vinh sự khéo léo, tỉ mỉ của đôi bàn tay con người.
Orizuru
Đây là những chú hạc giấy tinh xảo được tạo nên từ nghệ thuật gấp giấy origami và trở thành biểu tượng của sự trường thọ và sức sống bền bỉ. Trong văn hóa Nhật Bản, người ta thường gấp hàng trăm con hạc rồi xâu chúng lại bằng chỉ đỏ, treo lên cành tre hoặc gắn lên những dải giấy Fukinagashi đầy màu sắc. Mỗi cánh hạc như một lời cầu nguyện âm thầm, gửi gắm ước mong về một cơ thể khỏe mạnh và một cuộc sống dài lâu.
Túi đựng tiền Kinchaku
Vào những ngày lễ Tanabata, người Nhật có truyền thống gấp kinchaku bằng giấy origami như một cách thể hiện lời cầu chúc cho công việc làm ăn suôn sẻ và phát đạt. Mỗi chiếc túi giấy không chỉ mang nét đẹp thủ công mà còn chất chứa hy vọng về một tương lai thịnh vượng.
Kamiko
Kamiko – nhân vật không thể thiếu trong lễ thất tịch (Nguồn ảnh: Internet)
Kamiko là búp bê giấy truyền thống và khoác trên mình bộ Kimono thanh nhã, mang trong mình hai sứ mệnh thiêng liêng. Không chỉ đại diện cho lời cầu chúc ngành dệt may luôn thịnh vượng, Kamiko còn được tin rằng có thể hấp thụ và gánh vác mọi tai ương, bệnh tật hay thảm họa thay cho con người, như một biểu tượng của lòng từ bi và sự bảo hộ âm thầm.
Kuzukago
Đây là những chiếc giỏ nhỏ xinh xắn được đan thủ công từ tre hoặc gỗ, thường dùng để chứa rác nhẹ hay các vật dụng nhỏ trong đời sống hàng ngày. Vào dịp lễ hội Tanabata, những chiếc giỏ này còn được biến tấu thành vật trang trí độc đáo, kết hợp với các món đồ thủ công nhiều màu sắc. Không chỉ tô điểm không gian, chúng còn được tin là mang đến may mắn và cảm giác an yên cho người sở hữu.
Một số hoạt động tuyệt vời chỉ có tại lễ thất tịch Nhật Bản
Lễ hội mang đến hàng loạt hoạt động độc đáo và thi vị mà du khách cùng gia đình, bạn bè khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Hãy cùng khám phá những trải nghiệm tuyệt vời chỉ có tại Thất Tịch Nhật Bản.
Viết ước nguyện lên những mảnh giấy sắc màu
Vào những ngày này, người Nhật sẽ viết lên giấy những ước nguyện, mong muốn của mình trong tương lai. Sau đó, từng mảnh giấy này sẽ được treo lên những cành trúc để cầu mong những điều ước sẽ thành hiện thực.
Trẻ em đặc biệt yêu thích hoạt động này vì được lựa chọn màu giấy, vẽ trang trí ngộ nghĩnh và tự tay viết ra những điều ước đáng yêu như “con muốn được ăn kem mỗi ngày” hay “con mong cả nhà luôn vui vẻ”. Hoạt động này không chỉ mang tính giải trí mà còn khơi dậy trí tưởng tượng và lòng tin vào điều tốt đẹp trong tâm hồn trẻ nhỏ.
Tham gia vào lễ hội cầu nguyện Tanabata
Người dân thường đến đền Thần đạo Tokyo Daijingu để cầu nguyện trong ngày này (Nguồn ảnh: Internet)
Vào dịp này, rất đông người dân cũng như du khách đến tham quan đổ về đền Thần đạo Tokyo Daijingu (東京大神宮) để gửi gắm ước nguyện của mình đến các vị thần. Không khí nơi đây trở nên lung linh và huyền ảo với hàng ngàn dải giấy nhiều màu sắc treo trên cành tre, mỗi tờ đều chứa đựng những mong ước chân thành về tình yêu, sự nghiệp hay sức khỏe.
Trong ánh sáng dịu dàng của đèn lồng, từng lời cầu nguyện nhẹ nhàng được thả vào không trung, mang theo niềm hy vọng và niềm tin về một tương lai tốt đẹp. Đây cũng chính là thời điểm để mỗi người tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn giữa nhịp sống hối hả của đô thị.
Những món ăn nên thử khi đến với lễ thất tịch Tanabata
Vô số món ăn hấp dẫn mà du khách nhất định không được bỏ qua (Nguồn ảnh: Internet)
Bên cạnh những lời cầu nguyện viết trên thẻ tanzaku và các hoạt động trang trí, ẩm thực cũng là điểm nhấn không thể bỏ qua trong dịp này. Dưới đây là những món ăn đặc trưng và nên thử khi đến Nhật Bản vào dịp lễ Thất Tịch trong màu hè này:
- Mì Somen: Một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày lễ đặc biệt này chính là mì Somen. Đây là một loại mì đặc biệt sợi nhỏ được làm từ gạo, hương vị thanh mát và gây ấn tượng với cách thưởng thức vô cùng độc đáo. Thay vì bày trong tô như thông thường, sợi mì mảnh được thả trôi theo dòng nước lạnh chảy qua những ống tre dài. Thực khách phải nhanh tay dùng đũa gắp mì giữa dòng nước, tạo nên trải nghiệm thú vị và đầy tính tương tác.
- Bánh wagashi: Wagashi là các loại bánh ngọt truyền thống của Nhật, thường được làm từ đậu đỏ, bột gạo và đường. Vào dịp Tanabata, wagashi được tạo hình ngôi sao, thiên hà, cầu vồng hoặc những dải ngân hà lấp lánh, mang đậm không khí thần thoại của lễ hội.
- Các món ăn từ măng, tre: Người dân địa phương tin rằng trong mỗi hốc tre đều có vị thần ngự trị, mang năng lực thanh tẩy, diệt khuẩn và xua đuổi tà khí. Chính vì thế, tre và măng không chỉ là nguyên liệu ẩm thực mà còn mang ý nghĩa linh thiêng, đặc biệt được ưa chuộng trong dịp lễ Tanabata. Những món ăn như bánh bao nhân ngọt gói trong lá tre hay cơm dùng kèm với các món chế biến từ măng không chỉ ngon miệng, tốt cho sức khỏe mà còn được xem là biểu tượng mang lại may mắn và sự an lành cho cả gia đình.
Tổng kết
Tanabata không chỉ là một lễ hội truyền thống đậm chất văn hóa mà còn là biểu tượng của những ước mơ và tình yêu vĩnh cửu. Giữa không gian lung linh sắc màu của đèn lồng, tiếng nhạc rộn ràng và những tấm thiệp điều ước bay trong gió, Tanabata mang đến cho du khách một trải nghiệm mùa hè đậm chất lãng mạn và sâu lắng. Liên hệ ngay cho Lửa Việt Tours qua số hotline 1900 6420 hoặc Fanpage để được tư vấn chi tiết cho tour Nhật Bản hè này và cùng trẻ tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ cùng nhau nhé.