Những điều cần biết
13-09-2018

VỀ AN GIANG THĂM RỪNG TRÀM TRÀ SƯ

Cách thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, gần 100 km, rừng tràm Trà Sư cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 10 km. Rừng có 140 loài thực vật, trong đó chủ yếu là tràm bao phủ hầu hết diện tích.

>>>>> Xem thêm: Tour du lịch nội địa – Lửa Việt Tours

Băng qua các cánh đồng ngập nước với thảm bèo xanh ngắt, rừng tràm rậm rạp. Với hệ động thực vật phong phú, rừng tràm Trà Sư (An Giang) đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách ở miền Tây Nam Bộ. 

Bạn sẽ có những ngày du ngoạn thú vị khi được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp và thưởng thức món ăn ngon của vùng sông nước miền Tây.

rừng tràm Trà Sư

Hành trình xuôi về An Giang thăm rừng tràm Trà Sư, nơi có hệ sinh thái điển hình nhất cho vùng ngập nước phía Tây sông Hậu sẽ tạo dấu ấn trong lòng du khách với những trải nghiệm thú vị như: lướt tắc ráng băng rừng, tham gia hái sen, hái ấu, chài cá và thưởng thức các đặc sản của mùa này… Tắc ráng là phương tiện di chuyển độc đáo trên sông nước của người miền Tây.

Trải nghiệm đi xuồng ba lá khiến nhiều người, nhất là khách nước ngoài thích thú.

chim

Trà Sư là nơi sinh sống của hơn 70 loài chim tiêu biểu của vùng ngập nước.

Tha La

Từng mẻ lớn cá linh được người dân tập kết bên cầu Tha La.

Bông điên điển

Bông điên điển và các loại rau dân dã là món dùng kèm không thể thiếu của lẩu mắm cá linh Nam bộ.

lẩu hoa điên điển

Tháng 10, sau những ngày mưa liên tục kéo dài, nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ xuống. Dân Nam bộ chính gốc gọi là “mùa nước nổi”. Nước lên (nổi) từ từ, mỗi ngày vài tấc, chứ không ào ạt cuốn phăn mọi thứ như lũ. Các cánh đồng trũng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long được thay áo mới, màu trắng bạc xám phù sa. Nước năm nay về muộn hơn nhưng lại cao hơn năm trước. Đời sống người dân miền Tây càng trở nên rộn rã và nhộn nhịp hơn. Giữa biển nước mênh mông, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã từng viết: “Nghe hoa súng bờ ao se sẽ nở. Da diết lòng hương dịu tự vườn cau”. Không kiêu sa, hiếm lạ như hoa phong lan, hải đường. Hoa súng có mặt ở mọi nẻo đồng quê trên quê hương, rất đỗi gần gũi thân thuộc với mọi người. Chẳng cần nhiều màu sắc, với một màu trắng tinh khôi, một màu tím phớt hồng song không kém phần rực rỡ, Hoa súng luôn như một lời nhắn nhủ thuỷ chung son sắt. Và đây là một món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nghèo vùng nước nổi.

Mùa nước nổi là thời điểm lý tưởng để cảm nhận được hết vẻ đẹp của rừng tràm Trà Sư. Một ngày sống giữa mênh mông trời đất. Những giây phút lắng mình để lấy đà cho cuộc sống bận rộn thường ngày. Nhiều điều kỳ thú ở rừng tràm Trà Sư đang chờ bạn khám phá.

con nước mênh mông

Vào mùa lũ, mọi sinh hoạt của người dân đều gắn liền với con nước mênh mông.

sen, súng

Mùa nước nổi là mùa vui nhất trong năm ở đồng bằng sông Cửu Long. Vui vì cánh đồng được bù đắp phù sa, tôm cá nhiều, sen, súng đua chen nở và cũng là lúc điên điển trổ đầy cành những đóa hoa vàng rực màu nắng phương Nam.

chăn trâu

Hình ảnh lũ trẻ chăn trâu chơi trên đồng nước đầy dung dị và sinh động.

chài quăng mẻ lưới

Người dân chài quăng mẻ lưới điệu nghệ như những đóa hoa trên mặt sông yên ả.

 miền Tây

Khung cảnh miền Tây đẹp huyền ảo nhất lúc hoàng hôn xuống trên hàng cây thốt nốt.

hoa sen

 

Về với rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi, mới thấy hết được sự trù phú của cảnh sắc, sự giàu có của thiên nhiên và sự hào hiệp của con người Nam bộ với những trải nghiệm đầy thú vị. Đi trên tắc ráng, len lỏi qua các con rạch nhỏ vào rừng tràm đắm mình trong không gian rừng nước mênh mông. Những thảm bèo xanh chuối phủ kín cả khu rừng và con đường nước, chiếc xuồng như xẻ thảm cỏ mà đi. Những cánh bèo cám bé li ti sinh sôi nhanh chóng trên mặt nước, nối kết nhau thành tấm thảm màu xanh ngọc bích làm cho cả khu rừng như bừng sáng sắc màu huyền ảo. Chụp ảnh ngược sáng, màu xanh chuyển thành trắng bạc như băng tuyết Siberi độc đáo. Vừa ngồi xuồng, vừa chạm tay vào những đám bèo ngay sát mặt nước, mở toang lồng ngực, hít thở không khí trong lành, mắt no nê cùng đất trời hào phóng.

Những cây tràm bên lề đường vẫn cao hơn mặt nước hình thành những “con đường nước” quanh co, uốn lượn, xanh mướt một màu.

Thi thoảng, những chú chim dạn dĩ đậu ngay thân cây, khóm hoa súng, hoa sen hay trên các vạt bèo như tò mò muốn làm quen với khách. Họ nhà chim đang hòa tấu xôn xao cả khu rừng. Những tổ chim ồn ào, mấy anh cò vạc rỉa lông, và em cồng cộc lao mình xuống nước săn cá… Mùa nước nổi, rừng càng bộc lộ hết vẻ đẹp thiên nhiên tiềm ẩn.

Phải lên đài quan sát, nơi có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của rừng tràm rộng xa ngút tầm mắt. Với chiếc ống nhòm đặc dụng, ở độ cao 23m, tha hồ mà thưởng ngoạn. Từ cảnh sinh hoạt của đủ họ nhà chim đến tượng phật Di Lạc, chùa Vạn Linh trên Núi Cấm.

Đến Trà Sư trong những mùa nước nổi, phải ăn bằng được bún nước lèo độc đáo. Cũng giống bún nước lèo Sóc Trăng và Cần Thơ nhưng rau thì khác. Thay cho rau ghém được làm bằng giá, hẹ, bắp chuối xắt nhuyễn thì ở Trà Sư sẽ có thêm bông điên điển, bông súng mà thôi. Nồi mắm kho, nhúng bông điên điển cùng một vài loại rau sống khác là hương vị thời khẩn hoang mùa nước nổi… Mùa nước nổi cũng là mùa cá linh từ Biển Hồ trôi dạt xuống sông Tiền, sông Hậu. Lẩu cá linh với me sống (hoặc chanh) vừa chua, người địa phương chỉ nhúng độc một thứ hoa vàng rực này vào. Với bông điên điển, hai món ăn này sẽ cho một bữa tiệc dân dã mà không phải nhà hàng nào ở thành phố cũng có. Sẽ càng hấp dẫn hơn nếu có vài người bạn “tâm đầu” bên ly rượu đế, nói chuyện mùa màng, chuyện làm ăn, chuyện thời sự quốc tế rôm rả trong những buổi chiều bảng lảng bóng hoàng hôn.

Ngọc BíchPhòng Vé Lẻ – Lửa Việt Tours