Những điều cần biết
13-09-2018

Bắc Kinh có 123 công viên miễn vé…

thanh_pho_bac_kinh

Bắc Kinh – kinh đô phía bắc – thủ đô Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa – từng có nhiều tên gọi khác nhau: Yên Đô, U Châu, Yên Kinh, Trung Đô, Đại Đô, Bắc Bình… Từ năm 1420 được gọi là Bắc Kinh.

Theo phong thủy, trung tâm của Bắc Kinh là Tử Cấm Thành – Di sản văn hóa thế giới – được xem là tim rồng. Tất cả công trình và nhà ở đều có cửa chính hướng nam, hướng tốt nhất của người Trung Quốc. Tử Cấm Thành được xây dựng với hàng chục ngàn nhân công suốt 17 năm ròng rã. Công trình có hào nước rộng 52m bảo vệ, có chòi canh ở 4 góc và tường cao bao bọc. Thành có 9.999 khuê phòng thuộc 800 tòa nhà. Nếu mỗi ngày ở 1 phòng thì phải hơn 27 năm mới ở hết lượt. Số 8 và 9 là những con số hoàn hảo, may mắn. Cửa chính nam của thành là Thần Võ Môn, phía sau là Ngự Hoa Viên – vườn hoa đẹp – có cung điện nhỏ, nơi con gái quan lại từ Tứ Phẩm trở lên đến tuổi cập kê tụ họp để Hoàng Đế chọn lựa tiến cung. Trong thành có nhiều cung điện đặc thù. Cung Khôn Ninh – phòng Hoa Chúc, nơi vua ở với vợ mới cưới 3 đêm liền sau đó mới được qua các cung nữ khác. Cung Thiên Tinh, nơi vua ở. Điện HIệu Thái – nơi vua nhận quà. Điện Bảo Hòa, nơi tổ chức yến tiệc. Điện Trung Hòa – nơi vua nghỉ trước khi cử hành đại lễ. Điện Thái Hòa – nơi vua tiếp đón các sứ thần. Trong các dịp lễ, vua ngồi kiệu “Đằng vân giá vũ” đến Điện Thái Hòa giữa những tảng đá cẩm thạch có 9 con rồng đùa giỡn với hạt châu trên mây. Thần Thú của thành là Sư Tử vàng, toàn thân lấp lánh, bờm xoăn gợn sóng, 5 móng sắc nhọn. Con đực để chân lên trái cầu, con gái gác chân lên sư tử con nô đùa; hàm ý về trách nhiệm và bổn phận của đàn ông và phụ  nữ. Thành chủ yếu làm bằng gỗ nên có rất nhiều lư đồng lớn đựng nước, đề phòng dập lửa.

Vượt qua Ngọ Môn của thành là Thiên An Môn – quảng trường rộng 45 ha, không một bóng cây. Giữa quảng trường có lăng Mao Trạch Đông, phía tây là Đại Lễ Trường Nhân Dân, phía đông là Bảo Tàng Quốc Gia, phía bắc là Tử Cấm Thành. Quảng trường là nơi diễn ra nhiều biến cố quan trọng và các đại lễ hoành tráng. Tôi đã xếp hàng đến viếng Mao Trạch Đông. Hơi thất vọng, không trang nghiêm như lăng của Hồ Chí Minh. Nhân viên trật tự dùng loa tay nhắc nhở và mời khách thuê hoa nhựa. Vào bên trong, khách đặt hoa lên trước tượng Mao Trạch Đông đang ngồi, rồi nhân viên gom hoa ra ngoài cho thuê lại! Nơi lưu giữ thi hài cũng đơn giản hơn. Vừa ra khỏi cửa lăng phía sau là bát nháo hàng rong lưu niệm.

Thập Tam Lăng – Di sản văn hóa thế giới – nơi an nghỉ của 13 đời Vua nhà Minh – triều đại khai sinh ra tên gọi Bắc Kinh. Khi nhà Minh sụp đổ, nhà Thanh thay thế, cũng chấm dứt huyền thoại bất khả chiến bại của Vạn Lý Trường Thành (xem Thanh Niên tuần san số 244). Thập Tam Lăng đắc địa với thế “lưng dựa núi chân đạp sông”, đông – tây – bắc đều có núi non bao bọc và ngăn rét phương bắc. Hướng nam có Long Sơn và Hổ Sơn canh giữ, phía trước có hồ lớn để hóa giải gió nóng phương nam mỗi dịp hè về. Trong 13 lăng, lăng Minh Thành Tổ Chu Đệ xây đầu tiên và lớn nhất. Nhỏ nhất là lăng Minh Tư Tông Sùng Trinh – vua cuối cùng của nhà Minh. 13 lăng xây trên 13 quả đồi, nối nhau bằng các lối đi “Thần Đạo”; 2 bên có lính gác, lạc đà, voi và quái thú canh giữ. Vào lăng Chu Đệ, qua cửa âm phủ, con trai bước bằng chân trái, con gái bước bằng chân phải. Chính điện trưng bày nhiều cổ vật và đồ dùng của vua cùng hoàng tộc. Tôi đã đứng trên tháp chính ngắm toàn bộ Thập Tam Lăng nguy nga mà u uất, lặng lẽ giữa rừng cây trầm mặc. Tự hỏi tại sao nhà Minh có 16 đời vua nhưng chỉ có 13 lăng? Hầu hết các văn bia ở đây đều không có chữ? Hoặc là công đức quá lớn, chữ nghĩa không tải nổi? Hay là để cho đời sau công  bằng đánh giá??

Năm 1750, trên nền di tích Kim Sơn đổ nát, vua Càn Long xây dựng Thanh Y Viện gồm chùa Báo Ân, tháp Thiên Thọ để mừng thọ mẹ. Sau đó Từ Hy Thái Hậu trùng tu, mở rộng, đổi thành Di Hòa Viên – vườn cây nuôi dưỡng sự ôn hòa – còn gọi là Cung Điện Mùa Hè. Di Hòa Viên – Di sản văn hóa thế giới – rộng 294 ha, trong đó 220 ha mặt nước. Ngay lối vào có tảng đá lớn hình dạng ông lão, tượng trưng Trường Thọ. Giữ sân có Thần Thú Kì Lân – một trong 9 con của rồng. Kì Lân có sừng nai, đầu rồng, chân trâu, mình đầy vảy – tượng trưng Chính Trực. Ở đây có hàng ngàn phòng, kiến trúc kiểu vườn cung điện và hơn 100 cảnh quan tuyệt vời. Điện Nhân Thọ – nơi Từ Hy tiếp các quan lại và giải quyết quốc sự. Phật Hương Các cao 70m, có cột đồng cao 7,55m và nặng 207 tấn. Trường Lang – hành lang có mái che dài 728m với 14.000 bức tranh tuyệt tác kể lại lịch sử Trung Quốc. Cầu Ngọc Đới – 17 nhịp như 1 cầu vồng khổng lồ. Thuyền Đá độc nhất vô nhị chứa cả trăm người, có thể di chuyển trên hồ Côn Minh… Trước nhà của Từ Hy có 2 cái bình đặt trên 2 bệ, 2 con hươu và 2  con hạc – tượng trưng Bình An Vô Sự và Thiên Hạ Thái Bình. Cả quần thể xây dựng chặt chẽ theo phong thủy, đậm đặc nét Phúc Lộc Thọ.

Thiên Đàn – Di sản văn hóa thế giới – một trong cửu đàn – nơi Thiên Tử đến tế Trời vào mùa Đông và cầu mưa thuận gió hòa vào mùa hè. Thiên Đàn có 3 công trình chính. Viên Khâu Đàm – bệ thờ chính với đài rỗng hình tròn, gồm 3 tầng bằng đá hoa cương, nơi vua làm lễ tế Trời. Hoàng Khung Vũ – điện nhỏ hình tròn, đặt các bài vị tế Trời, chung quanh có tường cao 6m, đường kính 32,5m. Đây là bức tường hồi âm nổi tiếng, âm thanh được khuếch đại giữa trời. Điện Cầu Niên – nơi vua cầu mùa màng tươi tốt, có cấu trúc “Trời tròn, Đất vuông”. Bệ đá lớn hình vuông tượng trưng cho Đất. Giữa bệ đá là tháp tròn, có 3 tầng, mái ngói, tượng trưng cho Trời. Trong tháp có 28 cột gỗ, gồm 4 cột chính – 4 mùa; 12 cột giữa – 12 tháng; 12 cột ngoài – 12 canh mỗi ngoài. Tất cả trong trình bằng gỗ, không dùng đinh.

Bắc Kinh có 123 công viên miễn vé và 46 công viên bán vé. Với người dân Bắc Kinh, công viên là một phần cuộc sống, có đủ mọi hoạt động. Từ phòng tập thể dục, thể hình, các lớp khiêu vũ, múa dân gian, các buổi biểu diễn văn nghệ, diễn kịch…đều miễn phí. Có thể tập hát – đàn – trống – kèn – thổi sáo – hợp xướng – karaoke ngoài trời. Có thể đánh cờ, chơi cầu lông, đá cầu, câu cá, trượt patin… và cả luyện thư pháp trên nền đất. Với 1 cây cọ tổ chảng và 1 xô nước, cứ thế mà viết, còn hơn tập thể dục. Có thể đi dạo với vật cưng, hay ngồi xe dê, xe ngựa hoặc cưỡi lạc đà. Đường Nhân Viện – vốn là nơi bào chế thuốc cho vua và hoàng tộc, nay phục vụ du khách với đủ trò khuyến mại. Đức Thắng Môn, cửa chính nam Bắc Kinh (Thiên An Môn là cửa chính bắc) – nơi vua chúa xuất quân chinh phạt và trở về. Cầu thang lên thành có 52 bậc, xuống có 51 bậc. Phía trên là tòa nhà lớn như 1 pháo đài, có Thần Thú Tỳ Hưu. Tỳ Hưu có sừng để bảo vệ chủ, có miệng há để gom tiền, không có hậu môn để giữ tiền, có cánh để chủ thăng tiến. Tỳ Hưu ở Đức Thắng Môn nặng cả trăm ký, chỉ được ngắm, không được sờ và chụp ảnh, sợ mất thiêng, nhưng lại có vô số Tỳ Hưu “sinh sản vô tình” với đủ truyền thuyết linh thiêng và lời đồn hiệu nghiệm để dụ khách thỉnh về thờ. Loại be bé giá cũng bạc triệu.

Bắc Kinh là thiên đường của hàng nhái – không phải hàng giả vì chất lượng như thật và nạn nói thách. Phố đồ cổ – chợ Pan Jia Juan có đủ loại hàng hóa và sản phẩm thủ công, thượng vàng hạ cám và rất nhiều đồ giả cổ. Có thể đến chợ Chao Wai hay phố Vương Phủ Tĩnh để tha hồ mua sắm. hoặc ghé xem quy trình sản xuất đồ đồng Cảnh Thái Lam, có từ đời Cảnh Thái nhà Minh. Đây là sản phẩm kết hợp từ các sợi đồng nhỏ tạo thành họa tiết với men sứ và mạ vàng. Sau Olympic 2008, Bắc Kinh góp mặt 2 trong 10 sân vận động độc đáo của thế giới: Trung tâm bơi lội quốc gia Bắc Kinh và Sân vận động Tổ Chim. Sân vận động Qui Zhong – Thượng Hải cũng nằm trong top 10 này. Bắc Kinh có gần 6.000 nhà vệ sinh công cộng, nhưng đa phần là cầu bệt. Cầu ngồi chỉ dành cho người tàn tật và trong khách sạn. Nhiều người Trung Quốc lần đầu ra nước ngoài vào nhà vệ sinh công cộng cứ tưởng cả thế giới bị tàn tật! Do phát triển công nghiệp quá nóng, Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều vấn nạn về ô nhiễm thực phẩm – môi trường, kẹt xe… Báo chí từng phanh phui nhiều vụ động trời: “bánh bao nhân các tông”, “trứng gà – gạo – khô mực…giả”. Bão cát cũng thường đe dọa, nhuộm vàng cả thủ đô. Trận bão cát năm 2008, trút xuống Bắc Kinh hơn 300.000 tấn cát. Bắc Kinh hiện có hơn 5 triệu xe hơi. Để giải quyết nạn kẹt xe, họ quy định 2 vành đai 1 và 2 (Bắc Kinh có 4 vành đai giao thông) chỉ dành cho xe bus và ôtô. Trên xe bus cũng có loa thông báo. Ôtô chỉ được lưu hành theo quy định biển số chẵn – lẻ! Các ngã tư đèn đỏ được rẻ phải. Rẽ trái được bố trí đường nhô lên so với đi thẳng và rẽ phải. Tháng 2/2010, đường cao tốc Bắc Kinh – Tây Tạng kẹt xe dài 120km suốt 9 ngày liền. Bắc Kinh cấm hút thuốc nơi công cộng, vi phạm bị phạt hơn 700usd. Cấm thì cấm, thiên hạ cứ phì phèo, nhả khói như khu công nghiệp bởi việc xử phạt không nghiêm…

Đến Bắc Kinh – ít ai biết kiến trúc sư trưởng của Bắc Kinh năm xưa với các công trình di sản thế giới là người Việt. Ông là Nguyễn An (1381-1453), quê vùng Hà Đông. Khi quân Minh xâm lược Việt Nam với giả danh “phù Trần diệt Hồ” đã bắt cha con Hồ Quý Ly cùng nhiều nhân tài và mỹ nữ về Trung Quốc. Trong số đó có Nguyễn An, lúc đó mới ngoài 30 tuổi, vốn là chỉ huy hiệp thợ xây dựng kinh thành Thăng Long. Ông được Minh Thành Tổ Chu Đệ hết sức tin dùng và giao trọng trách Tổng công trình sư xây mới thành Bắc Kinh và Tử Cấm Thành cùng nhiều dinh thự triều đình và trị thủy hệ thống sông Hồng Hà. Người Trung Quốc gọi ông là A Lưu. Nhà sử học Trung Quốc Trương Tú Dân nhận xét “Nguyễn An – A Lưu là người hết lòng vì công việc, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, cao thượng; có công đầu và là kiến trúc kiệt xuất của Bắc Kinh. Bất hạnh thay, ngày nay ít ai còn nhớ!”. Người Trung Quốc có thể quên ông còn nhân dân Việt Nam thì mãi mãi ghi nhớ và tự hào về người con ưu tú đã làm rạng danh tổ quốc dù phải sống lưu vong. Nhiều kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng Việt Nam đang đề nghị tôn Nguyễn An là ông tổ của ngành mình. Một nguyện vọng hoàn toàn chính đáng, phải làm và nên làm, càng sớm càng tốt.

Nguyễn Văn Mỹ.