Những điều cần biết
13-09-2018

NAM PHƯƠNG LINH TỪ – TẤM LÒNG VỚI TIỀN NHÂN

Theo nghĩa nôm na, Nam Phương Linh Từ là Nhà thờ các Anh linh phương Nam, một địa chỉ khá mới mẻ, chưa được nhiều người biết. Được khởi công từ cuối năm 2009 và khánh thành căn bản vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày Hòa bình – Thống nhất đất nước 2015.Ngày 7 và 8/3 âm lịch hàng năm là hội lớn của Nam Phương Linh từ. Ngày 7 là “Lễ hội Tri ân” những người có công khai mở, gìn giữ và xây dựng vùng đất Nam bộ. Ngày 8 là “Lễ giỗ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm” (1744 – đầu thế kỷ 19), tổ dòng họ Đặng ở phương Nam.

Kiến trúc Nam Phương Linh Từ

Dịp khánh thành 2015 và lễ hội 2016 đều trúng mùa cao điểm du lịch, nên dù được mời, tôi vẫn không thể tham gia. Hỏi mấy người tham dự, họ đều trả lời “Hoành tráng nhưng rất nắng, đường đi khó”. Tôi không thể hình dung nhưng cứ ấm ức, chẳng hiểu tại sao. Trực giác mách bảo là không phải vậy. Mấy lần ghé làm việc với Sa Đéc và Đồng Tháp cũng muốn vào nhưng chưa sắp xếp được. Giữa tháng 5, về lại Đồng Tháp, tôi quyết tâm phải đến Nam Phương Linh Từ.

BẤT NGỜ & ẤN TƯỢNG

Theo tỉnh lộ 848, gần phà Cao Lãnh, có ngã 3, rẽ trái chừng 6 km là tới. Đường nhựa nhưng hẹp, cầu yếu, cho phép xe dưới 30 chỗ lưu thông; đang có dự án mở rộng gấp đôi, đón xe 45 vào cuối năm 2016.Công trình nằm ở vùng Nước Xoáy, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với diện tích 5ha.Dù sẽ được mở rộng lên khoảng 8 ha nhưng quá khiêm tốn so với chùa Bái Đính mới, rộng 80 ha ở Ninh Bình, vốn đang sỡ hữu nhiều kỷ lục Việt Nam và châu Á.

Điều khác biệt ấn tượng nhất, hơn cả chùa Bái Đính, là hồn của các công trình.Quần thể là Nhà thờ đúng nghĩa chứ không phải là Chùa như nhiều người tưởng.Điều này rất khó diễn tả. Chỉ có những công trình mà từ chủ nhân đến người thiết kế, đặc biệt là đội ngũ thợ thi công dồn hết tâm huyết và sức lực mới thổi hồn vào mỗi chi tiết như vậy. Quần thể gồm các khối nhà gỗ, kiểu kiến trúc nhà rường truyền thống, cách tân theo phong cách Nam bộ, được thể hiện bởi những nghệ nhân tài hoa đến từ cố đô và khắp đất nước.

Đội ngũ thợ thi công Nam Phương Linh từ

Được bao bọc bởi 2 cổng tam quan lớn gọi là “Đông – Tây lưỡng môn” với “Thập lục đại trụ”, nối kết bởi 2 trường lang lợp ngói, dài hơn 675m gồm 240 cột gỗ với các hạng mục khác trong quần thể. Mỗi trường lang đều có lầu là Tàng lâu và Nghinh lâu. Quần thể có sân lễ rộng hơn 2.000 m2, hơn 20.000 m2 được dành cho 54 loài hoa và kiểng đặc trưng của mọi miền đất nước, tượng trưng cho khối đại đoàn kết của 54 dân tộc anh em, mà Nam bộ là một phần của cả nước.

Trung tâm của quần thể là Nam Phương Linh từ và Đặng tộc Nam Phương Linh từ (nhà thờ tộc Đặng ở phương Nam) đều gồm 7 gian, 2 chái, có mái hạ và hàng hiên bao quanh với trăm cột mỗi công trình. Bên cạnh là Bảo tàng Nam bộ và Bảo tàng Đặng tộc, mỗi bảo tàng có diện tích gần 1.680m2, gồm 80 cột, được thiết kế cách điệu thủy tạ, với vô sô hóa súng và sen là  2 loài thủy sinh đặc trưng Nam bộ. Ngoài ra còn những hạng mục khác như Đàn tế Trời (mùa Xuân), Đàn tế Đất (mùa Thu), Cô đàn, am Cô…

Điểm nhấn của quần thể là gỗ căm xẻ đỏ, nhập từ các nước Asean. Ngoài các cửa, kèo, rui, mè…; quần thể có 540 cột gỗ, đường kính lớn nhất là 1m và cao nhất là 8,6m. Ước tính khối lượng gỗ đã sử dụng khoảng 7.000 m3.

BIẾT ƠN TIỀN NHÂN.

Ấn tượng nhất với tôi về quần thể không phải là kiến trúc với những phù điêu, câu đối, hoành phi, điển tích…được chạm nổi hoặc chạm lọng (thủng) tinh xảo mà là nội dung bên trong.Tôi đã đứng lặng người trước tượng đồng của 21 danh nhân có công khai mở phương Nam.Nhiều người lâu nay bị những định kiến hẹp hòi phủ nhận.Lịch sử và nhân dân luôn công bằng và khách quan trong mọi đánh giá. Trong vòng 200 năm, nhà Nguyễn ở Đàng Trong đã mở rộng gần gấp đôi lãnh thổ Việt Nam trước đó.

Kiến trúc bên trong Nam Phương Linh từ

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN; nhà báo Nguyễn Hạnh, Phó tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay đã cùng ban cố vấn bàn bạc, hội thảo, phản biện cân nhắc, trên quan điểm tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử trong mối quan hệ đa dạng, phức tạp, nhiều chiều về tiêu chí chọn lựa, về thời điểm tồn tại,sự cống hiến của từng nhân vật để thờ vọng  một cách xác đáng nhất.

Lấy mốc thời điểm từ khi mở cõi đến 1975, chia thành 3 lĩnh vực là khai mở, gìn giữ và làm rạng danh vùng đất phương Nam.Bước đầu, chọn được 125 nhân vật.  Do vậy, Nam Phương Linh từ thờ từ Nguyễn Huệ – Quang Trung đến các chúa và vua nhà Nguyễn như Chúa Sãi Nguyễn Phước Chu (1563 – 1635), Nguyễn Ánh – Gia Long; các danh thần: từ Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Lê Văn Duyệt, Trương Minh Giảng, Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản…đến chức sắc tôn giáo như Sư Thiện Chiếu, Phạm Công Tắc, Huỳnh Phú Sổ…tới các anh hùng liệt sĩ từ 1930 – 1975.

Chủ nhân của Nam Phương Linh từ, ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam Group (Vinasun Corporation) tâm sự: “Chúng tôi xây dựng quần thể kiến trúc này không phải để đánh bóng tên tuổi, cũng không nhằm kinh doanh (không bán vé), mà chỉ đơn thuần là để tri ân, thờ cúng và tôn vinh các bậc tiền nhân đã có công khai mở, gìn giữ và phát triển vùng đất phương Nam. Tất cả chúng ta đều là con cháu của các vị ấy..”          

Tấm chân tình của ông, cũng là của dân Nam bộ, không phải ở số tiền hơn 400 tỉ bỏ ra cho quần thể mà còn ở cách thể hiện đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” một cách trân trọng. Biết tin này, nhiều người Việt ở nước ngoài vô cùng phấn khởi, bởi đó là dấu ấn văn hóa của việc đổi mới thật sự.Chắc chắn Nam Phương Linh từ sẽ là điểm hẹn độc đáo không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước, là niềm tự hào chính đáng của người dân Nam bộ.

                                                                       Nguyễn Văn Mỹ

(Chủ tịch Lửa Việt Tours; UV.BCH Hiệp Hội Lữ hành VN).