Cẩm nang du lịch
24-10-2022

CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC | 6 NHÀ THỜ TIÊU BIỂU Ở VIỆT NAM

Trong gia tài di sản văn hóa vô giá mà tổ tiên để lại, Tết là điểm nhấn quan trọng với nhiều phong tục nhân văn, trong đó có xuất hành đi lễ chùa hoặc nhà thờ, tùy tôn giáo. Xin giới thiệu top 6 nhà thờ tiêu biểu, để bạn đọc chọn lựa, vừa đi lễ, vừa có thêm trải nghiệm lịch sử và văn hóa dân tộc, qua những kiến trúc tôn giáo đặc thù. 

1. NHÀ THỜ ĐÁ PHÁT DIỆM, NINH BÌNH

Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam; là kinh đô Công giáo ở thị trấn Phát Diệm, Kim Sơn; cách Hà Nội 120 km. Chủ trì xây dựng là linh mục Phêrô Trần Lục (Cụ Sáu, 1825 – 1899), chính xứ Phát Diệm từ năm 1865. Sau 10 năm chuẩn bị, công trình được cho khởi công từ năm 1875 đến năm 1898 bằng đá và gỗ lim. 

Nhà thờ Phát Diệm - kiến trúc kết hợp cả Á lẫn Âu cực kỳ độc đáo.

Nhà thờ Phát Diệm – kiến trúc kết hợp cả Á lẫn Âu cực kỳ độc đáo

Quần thể gồm nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ (có một nhà thờ xây toàn bằng đá tự nhiên, gọi là nhà thờ đá); phương đình (tháp chuông); ao hồ và 3 hang đá nhân tạo. Là công trình Công giáo nhưng mô phỏng theo kiến trúc đình chùa truyền thống Việt Nam, mái cong hình mũi thuyền; chạm trổ rất tinh xảo với vô số hình tượng thân thuộc được lấy từ các làng quê Việt nam từ tùng, cúc, trúc, mai hay hoa sen.  

2. NHÀ THỜ LỚN HÀ NỘI

Nhà thờ Lớn Hà Nội còn gọi là nhà thờ Chính tòa thánh Giuse của Tổng giáo phận Hà Nội tọa lạc tại số 40 Nhà Chung, được xây dựng từ 1884 – 1887 theo kiến trúc Gothic trung cổ, theo mẫu nhà thờ Đức bà Paris với mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. 
Nhà thờ dài 64m5, rộng 20m5 và hai tháp chuông cao 31m; bằng các nguyên liệu sẵn có trong nước như gạch nung và trát bằng giấy bổi, một số nhập từ Pháp như kính màu, các quả buông, tượng thánh,… Mặt tiền nhà thờ có chiếc đồng hồ lớn với kim báo khắc, báo giờ, hệ thống chuông báo được liên kết với 5 quả chuông treo trên hai tháp.

Tượng đài Đức Mẹ cực kỳ sinh động là một trong những điểm nhấn đặc biệt của nhà thờ 

Tượng đài Đức Mẹ cực kỳ sinh động là một trong những điểm nhấn đặc biệt của nhà thờ

Nhà thờ là nơi an nghỉ của các Hồng y Trịnh Như Khuê, Phạm Đình Tụng và Trịnh Văn Căn. Đặc biệt có tượng thánh tử vì đạo Anê Lê Thị Thành (1781 – 1841); được phong là “Hiến thánh” năm 1988; là Thánh nữ duy nhất của Việt Nam. 

3. NHÀ THỜ MẰNG LĂNG, PHÚ YÊN

Nhà thờ Mằng Lăng ở xã An Trạch, huyện Tuy An, cách TP. Tuy Hòa hơn 30 km về phía Bắc, xây dựng năm 1892 theo lối kiến trúc Gothic với nội thất đơn giản. Đỉnh cao của nhà thờ là hai tháp chuông hai bên, giữa là thập tự giá, mặt tiền là những lối vào hình mái vòm, tựa những búp măng. Các cửa sổ có màu sắc và họa tiết kiến trúc Châu  u, trần nhà được lót gỗ, các cửa chính chạm khắc gỗ tinh xảo của Việt Nam. 

nhà thờ mằng lăng

Nhà thờ với lối kiến trúc Gothic tinh giản và độc đáo

Nhà thờ có hang động trong quả đồi nhân tạo, trưng bày nhiều hình ảnh và thánh tích quý về lịch sử xóm đạo, về Chân Phước Anre Phú Yên ( 1625 – 1644), thánh tử đạo đầu tiên của Việt Nam. Đặc biệt có lưu trữ cuốn “Phép giảng tám ngày” của giáo sĩ Alexan de Rhodes (còn gọi là cha Đắc Lộ). Đây là cuốn sách Tiếng Việt đầu tiên, in vào năm 1651 ở Rome, nước Ý; với cách hành văn nguyên thủy, chưa được cải tiến như hiện nay. 

4. NHÀ THỜ CHÁNH TÒA KON TUM

Nhà thờ chánh tòa Kon Tum còn được gọi là Nhà thờ gỗ ở số 13 đường Nguyễn Huệ, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum; xây dựng từ 1913 – 1918; trên nền nhà thờ cũ bằng gỗ và tre từ năm 1870. Nhà thờ được làm từ gỗ cà chít (sến đỏ), trần và tường xây bằng đất trộn rơm, theo lối kiến trúc Roman phối hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na. Từ những họa tiết đến điểm nhấn trên chất liệu đều đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng của người Tây Nguyên.

Nhà thờ với sự hòa hợp giữa tín ngưỡng Thiên Chúa Giáo với tín ngưỡng của người Tây Nguyên.

Nhà thờ với sự hòa hợp giữa tín ngưỡng Thiên Chúa Giáo với tín ngưỡng của người Tây Nguyên.

Khu hoa viên của nhà thờ có bức tượng Đức Mẹ hai tay nâng bế Chúa Hài Đồng được làm từ thân gỗ nguyên khối, tạc theo phong cách mộc mạc của tượng dân gian (tượng nhà mồ). Thánh giá và các tượng trang trí đều được làm bằng gốc rễ cây rừng, càng làm không gian mang đậm màu sắc bản địa. 

5. NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SÀI GÒN

Còn gọi là Vương cung Thánh đường; ở số 1, Công Xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1, xây dựng từ 1877 – 1880; do tác giả đề án, kiến trúc sư J. Bourard trực tiếp giám sát, theo phong cách Roman và Gothic. Mọi vật liệu xây dựng được đưa từ Pháp sang. Sau hơn trăm năm, gạch và ngói không bị rêu phú, kính không mờ, không bị mạng nhện đeo bám. 

Nhà thờ được "nhập khẩu" hoàn toàn từ Pháp

Nhà thờ được “nhập khẩu” hoàn toàn từ Pháp

Thánh đường có chu vi 91m x 35m5; chiều cao 21m; sức chứa khoảng 1.200 người, với 12 cột chính tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ; không có hàng rào và khuôn viên ngăn cách. Chiều cao nhà thờ từ mặt đất lên đỉnh 60m5. Tháp chuông có 6 quả chuông, tương ứng 6 nốt nhạc là Do-Re-Mi-Fa-Sol-La-Si; với tổng trọng lượng 25.850kg. Ban ngày, thánh đường được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, thông qua các cửa kính màu và các lỗ thông gió, tạo nên hiệu ứng tuyệt vời trong nội thất; tăng thêm vẻ tĩnh lặng và trang nghiêm. 

6. NHÀ THỜ CÁI MƠN, BẾN TRE

Nhà thờ ở ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách; khởi dựng từ 1702 và qua nhiều lần trùng tu, phục dựng. Nhà thờ không quá đồ sộ về kiến trúc, không thật sự công phu trong từng đường nét, nhưng hài hòa giữa vùng xanh cây trái và sông nước trữ tình.

Nhà thờ của họ đạo lớn nhất Việt Nam

Nhà thờ của họ đạo lớn nhất Việt Nam

Cái Mơn là họ đạo lớn nhất Việt Nam với hơn 20.000 giáo dân. Không chỉ là quê, nhà thờ Cái Mơn còn là nơi Trương Vĩnh Ký (1837-1898), một trong 18 nhà bác học của thế giới đương thời (thế giới thập bát văn hào và ông là người châu Á duy nhất) với tư cách người học trò nghèo từng vào đây ăn học và thành tài.

Tác giả: NGUYỄN VŨ MỘC THIÊNG